(Alotintuc.com) – Dù được Sếp Vũ Anh ‘kiến tạo’ cực đẹp, nhưng Sếp Hiếu lại chưa ‘ghi bàn’ thành công do trả mức lương thấp hơn kỳ vọng của ứng viên chỉ hơn 1 triệu đồng. Và rồi cơ hội mời ứng viên Trần Đức Toàn – một tài năng trong lĩnh vực đào tạo livestream về làm việc đã vụt mất.
Nối tiếp nội dung ở tập 2 với hai ứng viên Trần Đức Toàn và Hoàng Thanh Thắng, tập 3 của Cơ Hội Cho Ai đã công bố kết quả vòng 1 với chiến thắng áp đảo thuộc ứng viên Trần Đức Toàn – được ⅘ sếp bình chọn, còn ứng viên Hoàng Thanh Thắng chỉ nhận được một bình chọn từ Sếp Vũ Linh.
Bước vào vòng Chinh phục, ứng viên Trần Đức Toàn sau khi nhập mức lương kỳ vọng đã nhận một loạt câu hỏi cực xoáy đến từ các Sếp.
Biết Đức Toàn từng có kinh nghiệm đào tạo livestream, Sếp Hiếu đặt bài toán: ‘Em cần bao nhiêu thời gian để tìm kiếm và đào tạo hơn 100 bạn streamer livestream bán hàng?’
Không làm sếp thất vọng Đức Toàn trả lời dứt khoát: “Đề tìm và đào tạo em cần 6 tháng. Nhưng để đem về doanh số và dám cam kết với các sếp thì trong vòng 2 năm”
Sếp Vũ Linh muốn có thông tin chi tiết hơn sau câu trả lời của Đức Toàn nên hỏi thêm: “Bạn làm những gì trong 2 năm đó để đào tạo 100 bạn streamer có thể bán hàng online?”
Đáp lại câu hỏi của sếp Vũ Linh, Đức Toàn đưa ra dẫn chứng: “Trước em có mở một khóa học làm streamer với học phí 30 triệu, em cam kết sau khi học trong vòng 3 tháng các bạn sẽ có công việc mức lương 15 triệu/tháng”
Việc Đức Toàn chỉ đưa ra dẫn chứng mà không đi vào thông tin trọng tâm trong câu hỏi của Sếp Vũ Linh khiến các Sếp còn lại dấy lên sự phân vân nhiều hơn với ứng viên này. Ngay lập tức, đèn vàng đã sáng lên ở vị trí của Sếp Tiến và Sếp Hiếu.
Nhằm giúp Đức Toàn cứu vãn tình thế và thể hiện năng lực nhiều hơn, Sếp Lan nhấn mạnh hơn câu hỏi về thời gian đào tạo để đội ngũ livestream mảng giáo dục tự tin trước camera, còn Sếp Vũ Linh muốn hỏi sâu về loại content Đức Toàn sẽ sử dụng để đào tạo streamer.
Giải đáp thắc mắc của hai Sếp, Đức Toàn khẳng định: “Chăm làm sẽ nhanh quen, với những bạn có duyên với nghề chỉ khoảng 1 tháng các bạn sẽ tự tin nói trước đám đông”
Về loại content sử dụng trong việc đào tạo streamer Đức Toàn tiết lộ cách đơn giản nhất là bắt những content theo xu thế, chỉ cần copy y hệt và làm đủ 30 video là sẽ thành công.
Sau những chia sẻ của Đức Toàn, Sếp Tiến đã chuyển từ đèn vàng sang đèn đỏ, ở vị trí Sếp Vũ Linh đèn đỏ đã sáng lên, Sếp Lan cũng từ chối tuyển dụng ứng viên này, chỉ còn Sếp Vũ Anh và sếp Hiếu tiếp tục cân nhắc với đèn vàng. Cục diện có vẻ càng ngày càng bất lợi hơn cho Đức Toàn vì đã đi hơn nửa chặng đường mà chưa có đèn xanh nào được bật lên.
Trước khi quyết định chuyển màu đèn, Sếp Hiếu đã thử thách ứng viên với một câu hỏi cuối “Anh hướng em vào vị trí quản lý livestream bán hàng và sáng tạo nội dung. Ở vị trí này chắc chắn có cam kết KPI và doanh thu. Vậy em có tự tin dám bước khỏi vùng an toàn để nhận job này không?”
Rất thẳng thắn trong câu trả lời, Đức Toàn tiếp lời sếp Hiếu “Em không quan tâm đến lương cứng, trong mảng này mà chỉ ăn lương cứng thì không hiệu quả. Em chỉ quan tâm đến việc hoàn thành KPI và nhận mức lương dựa trên phần trăm doanh số”
Sự dứt khoát và tự tin trong câu trả lời của Đức Toàn đã thành công thuyết phục Sếp Hiếu và Sếp Vũ Anh chuyển từ đèn vàng sang đèn xanh.
Trong vòng Cơ hội cho ai, Sếp Vũ Anh chia sẻ rằng mình chưa thật sự hài lòng với câu trả lời của Đức Toàn cho câu hỏi ‘Liệu livestream có phải là kênh hiệu quả để điều phối một sản phẩm như trình duyệt Cốc Cốc không’. Việc bật đèn xanh chủ yếu là hỗ trợ giúp sếp Hiếu có cơ hội mời được Đức Toàn về làm việc.
Đúng với tinh thần ‘kiến tạo’ để Sếp Hiếu ‘ghi bàn’, Sếp Vũ Anh đã đề xuất cho Đức Toàn mức lương 12.000.000 đồng ở vị trí Content marketing – Livestream marketing. Mức lương này thấp hơn rất nhiều so mức kỳ vọng của Đức toàn đưa ra là 30.000.000 đồng.
Từ những phút đầu ở vòng Cơ hội cho ai, Đức Toàn đã thể hiện sự tự tin trong năng lực của bản thân với cam kết đầy mạnh mẽ: “Chỉ cần các sếp đưa ra KPI, em sẽ làm mọi cách để toàn thành. Một ngày em có thể ngủ 2-3 tiếng còn lại để dành thời gian hoàn thành mục tiêu các sếp yêu cầu”
Với tinh thần làm việc như một chiến binh bằng tất cả đam mê rất đúng với tiêu chí tuyển dụng của sếp Hiếu, Đức Toàn đã được đề xuất vào vị trí Trưởng nhóm sáng tạo nội dung và livestream bán hàng với mức lương 28.868.686 đồng. Mức lương Sếp Hiếu đề xuất tuy có cao hơn của Sếp Vũ Anh những vẫn thấp hơn mức kỳ vọng của ứng viên hơn một triệu đồng.
Đức Toàn chia sẻ rằng mọi việc mình làm đều có cam kết, nếu không hoàn thành KPI sẽ không nhận lương. Đồng thời anh cũng đưa ra nhiều bằng chứng để chứng minh năng lực của mình, nên nhận mức lương 30.000.000 đồng là hoàn toàn xứng đáng. Đức Toàn đã sử dụng quyền thương lượng và đưa ra nhiều lý lẽ để thuyết phục sếp Hiếu đồng ý trả mức lương đúng theo kỳ vọng của mình, nhưng đã bị Sếp từ chối với lý do “Đây là bậc lương theo quy định của công ty nên không thể phá vỡ được”
Vòng Cơ hội cho ai khép lại và không có cơ hội nào được chốt cho ứng viên. Đức Toàn chia sẻ rằng bản thân khá tiếc nuối vì đã bỏ lỡ những ưu ái Sếp Hiếu dành cho mình. Anh hy vọng sau khi trau dồi kiến thức và phát triển bản thân hơn sẽ có thể gặp lại các sếp trong tương lai.
Tiếp sau phần thi của ứng viên Trần Đức Toàn và Hoàng Thanh Thắng là cuộc tranh tài giữa 2 ứng viên tài năng của ngành công nghệ là Phạm Hoài Ân, 28 tuổi đến từ Hà Nội với xuất phát điểm là một tay ngang trong lĩnh vực BA (Business Analyst) nhưng đã có năm năm kinh nghiệm làm việc, giảng dạy. Anh đạt được nhiều thành tích nổi bật với công việc phân tích nghiệp vụ ở các ngành Ngân hàng, Thương mại điện tử, Kinh doanh thông minh và Internet vạn vật… Với khả năng phân tích để tối ưu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Hoài Ân đã từng tham gia tối ưu quy trình cho một số công ty lớn ở Việt Nam.
Đối thủ của Phạm Hoài Ân là Võ Minh Đức, 25 tuổi đến từ Bình Định, một dân công nghệ thông tin chính hiệu. Minh Đức luôn khao khát có thể mang những công nghệ toàn cầu về đóng cho sự phát triển quê nhà. Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, anh trở về làm việc cho công ty công nghệ tại Bình Định và đạt một số giải thưởng, chứng chỉ về công nghệ ấn tượng như: Giải khuyến khích và Top 10 ý tưởng khởi nghiệp tại các Tập đoàn Công nghệ toàn cầu; Chứng chỉ của Microsoft Phân tích và kỹ sư dữ liệu. Đặc biệt, anh còn đạt được đạt vị trí Kỹ sư dữ liệu cấp Trung và tự sáng lập, điều hành công ty khởi nghiệp về công nghệ năm 2022.
Ở vòng Đối mặt, hai ứng viên có phần tranh luận vô cùng gay cấn với chủ đề: “Nhiều người trong giới công nghệ hiện nay, kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo do lo ngại AI có thể hủy diệt nhân loại. Quan điểm của bạn như thế nào về việc này?”
Ngay ở những phút mở đầu, cả Hoài Ân và Minh Đức đã cho thấy sự khác nhau trong góc nhìn. Trong khi dân nhà nghề – Minh Đức cho rằng nên ủng hộ việc phát triển AI, thì dân tay ngang – Hoài Ân lại chưa 100% đồng ý với quan điểm đó. Hoài Ân cho rằng chúng ta phải cẩn thận khi phát triển AI vì khi phát triển quá nhanh vô hình chung sẽ tạo ra sự ỉ lại, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến thị trường lao động. Ngoài những ý kiến khác nhau thì cả hai ứng viên cũng có một quan điểm chung rằng AI không thể hủy diệt con người, bởi AI được tạo ra với mục đích nhằm tăng trải nghiệm người dùng, tăng năng suất lao động.
Sau phần ‘khẩu chiến’ cực gắt đến từ Hoài Ân và Minh Đức, Sếp Hoàng Nam Tiến đã đưa ra một câu hỏi rất khó nhằn cho hai ứng viên: ‘Các bạn sẽ lập trình một chiếc xe ô tô không người lái chạy trên xa lộ và gặp một người chạy tạt ngang qua. Nếu phanh xe lại để không đâm chết người đó thì xe sau sẽ đâm bạn, nếu tạt phải, tạt trái thì sẽ gây tai nạn chết người ở làn đường hai bên còn nếu chạy thẳng sẽ đâm người ở phía trước. Vậy bạn sẽ lập trình chiếc xe không người lái này như thế nào?’
Trả lời câu hỏi của sếp Tiến, Minh Đức cho rằng vẫn phải kết hợp cả AI và con người trong trường hợp này: “AI đã được áp dụng cho trên những công nghệ trên xe Tesla rồi nhưng con người vẫn phải tham gia điều khiển”
Còn phía Hoài Ân lại thẳng thắn đưa ra quan điểm rằng: “Sẽ không lập trình tính năng không người lái”.
Sếp Tiến tiếp tục dồn Hoài Ân vào thế bí “Ô tô lúc đấy bắt buộc phải xử lý”
Lúc này Hoài Ân đưa ra hai quan điểm đối lập: “Thứ nhất về mặt đạo đức xã hội thì mình sẽ là người dừng. Thứ hai về mặt kinh doanh, mình sẽ không dừng để đảm bảo an toàn cho người dùng”
Đáp lại câu trả lời của ứng viên Hoài Ân, Sếp Tiến phũ phàng: “Vậy chiếc xe của em sẽ không bao giờ được bán ra thị trường vì nó được sản xuất để sẵn sàng đâm chết người nhằm cứu lấy bản thân mình”
Sếp Tiến thừa nhận đây là câu hỏi “Cực khó. Khó ơi là khó” để tạo áp lực cho ứng viên và cho đến bây giờ cũng chưa ai trả lời được câu hỏi trên.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ AI khi ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, Sếp Lan thử thách hai ứng viên với câu hỏi liên quan đến cảm xúc và đam mê của giáo viên sẽ bị giảm khi sử dụng AI để soạn bài giảng. “Trước đây giáo viên của chúng tôi phải mất 8 giờ để soạn một bài học 45 phút, nhưng sau khi sử dụng Chat GPT số thời gian giảm còn một nửa. Vậy các bạn có nghĩ, sử dụng AI sẽ làm thui chột cảm xúc, sự sáng tạo mãnh liệt trong con người không?”
Đặt mình là một người đi làm, Hoài Ân cho rằng: “Đôi khi chất lượng đi xuống một chút nhưng có thể làm nhanh hơn sẽ có thời gian làm nhiều việc khác hơn. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra tâm lý ỉ lại. Hệ lụy cho xã hội gây ra là con người sẽ giảm sự sáng tạo và tâm huyết với công việc do không dành nhiều thời gian để làm”
Lại một lần nữa thể hiện sự khác biệt trong tư duy, Minh Đức khẳng định: “AI không thể làm thay đổi chúng ta được, chỉ có chúng ta làm thay đổi chúng ta. Nếu AI giúp giáo viên giảm thời gian dạy từ 45 phút xuống 15 phút, thì họ sẽ có thời gian thỏa sức sáng tạo để thu hút và dạy nhiều học sinh hơn”
Trước khi bước vào phần bình chọn cho hai ứng viên ở vòng Đối mặt, Sếp Tiến đã ngỏ ý mời Minh Đức về làm việc tại Quy Nhơn. Một bên Sếp Tiến với tầm nhìn của công ty muốn biến Quy Nhơn thành thung lũng AI của Việt Nam, với một bên ứng viên Minh Đức luôn khao khát trở về cống hiến cho quê nhà. Có vẻ như cả sếp và ứng viên đã tìm thấy điểm chung khi gặp được nhau tại chương trình.
Khép lại vòng Đối mặt, ứng viên Phạm Hoài Ân giành được ⅘ sếp bình chọn, còn ứng viên Võ Minh Đức chỉ được ⅕ sếp bình chọn. Sếp Lan đã thể hiện rất rõ sự yêu thích dành cho ứng viên Hoài Ân. Để chắc chắn giành được ứng viên tiềm năng Hoài Ân về làm việc cho công ty của mình, Sếp Lan đã ngay lập tức rời ghế nóng để sang ‘nhắc nhẹ’ Sếp Tiến phải có trách nhiệm khi bình chọn cho Minh Đức. Đồng thời thương lượng sếp Tiến sẽ không tham gia giành ứng viên Hoài Ân ở vòng sau, đổi lại sếp Lan sẽ mời sếp Tiến và Minh Đức đi ăn cá mập ở Quy Nhơn.
Đáp lại hành động của Sếp Lan, Sếp Tiến bày tỏ “Nếu về mặt tình cảm bình thường tôi sẽ chọn bạn Ân. Nhưng tình cảm của tôi với Quy Nhơn rất đặc biệt.”
Câu trả lời của Sếp Tiến tuy còn mập mờ nhưng đã phần nào làm Sếp Lan an tâm hơn trong cuộc chinh phục ứng viên sắp tới.
Trước khi chia tay Minh Đức, một điều đặc biệt đã xảy ra ngay trên trường quay Cơ hội cho ai. Sếp Tiến cho biết giám đốc của FPT Software về AI tại Quy Nhơn đã gửi lời mời Minh Đức đến thăm công ty và nếu có thể sẽ có những câu chuyện tiếp theo.
Sau khi nhận kết quả, Minh Đức chia sẻ rằng anh hài lòng và rất vinh hạnh khi nhận được sự chú ý của Sếp Tiến. Bước sang vòng Chinh phục, để giữ giao kèo với Sếp Lan trước đó, Sếp Tiến đã ngay lập tức bật đèn đỏ từ chối tuyển Hoài Ân trong những giây đầu tiên.
Sếp Lan dành lời khen không ngớt vì hành động “quân tử nhất ngôn” của vị lãnh đạo đến từ tập đoàn FPT.
Giải đáp thắc mắc của Sếp Vũ Anh về thế mạnh của bản thân trong lĩnh vực BA, Hoài Ân tự tin nói thế mạnh của mình là kỹ năng phân tích. Với quá trình tìm hiểu, học hỏi của bản thân ứng viên này cho biết thêm: “BA không đơn thuần chỉ là công nghệ mà bất cứ ngành nào từ thời trang, F&B, xây dựng,…đều cần BA. Bởi BA sẽ đưa ra những phân tích dựa trên nỗi đau của khách hàng và mang đến những thay đổi có giá trị cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó UI/UX cũng là kỹ năng cần để phân tích chỉ số kinh doanh của công ty”
Tỏ ra hào hứng với Hoài Ân từ vòng đầu, Sếp Lan đưa ra câu hỏi thăm dò về kinh nghiệm của ứng viên trong lĩnh vực giáo dục:“Em đã có kinh nghiệm BA một sản phẩm công nghệ giáo dục nào chưa?” và nhận được câu trả lời đầy mãn nguyện “Em đã có kinh nghiệm tìm hiểu hệ thống LMS (Learning management system – Hệ thống quản lý học tập). Thật sự có rất nhiều hệ thống liên quan đến giáo dục khác nhau, nó không đơn thuần chỉ có LMS mà còn có các hệ thống về livestreaming, các hệ thống phân phối nội dung hoặc các hệ thống tương tác quản lý học viên, học sinh. Hiện tại, tuy em chưa được trải nghiệm hết nhưng cái em tư vấn cho các Sếp sẽ phải xoay quanh mục tiêu các sếp muốn gì, cần gì và sau cùng các sếp muốn làm như thế nào”
Cũng như Sếp Lan, Sếp Vũ Linh rất tò mò BA ứng dụng trong ngành thời trang như thế nào? Và ngay lập tức được Hoài Ân giải đáp đầy thuyết phục “Trong ngành thời trang, theo em biết không phải cứ lên ý tưởng là triển khai được ngay. Bài toán ở đây không đơn thuần là mình bán hàng như thế nào mà còn là mình phải quản lý cung ứng ra làm sao vì chi phí tồn kho cũng rất quan trọng”.
Muốn hiểu rõ hơn về nghiệp vụ BA của ứng viên, sếp Hiếu đặt câu hỏi “Vậy đầu vào của em là những con số vậy đầu ra của em là gì?” .Hoài Ân thẳng thắng “Đầu ra của em là những đề xuất thay đổi. Em sẽ chỉ ra nên thay đổi thế nào, các tác động của chỉ số và đưa những dự đoán về sự tăng giảm”
Với ngành kinh doanh của Sếp Hiếu, Hoài Ân chỉ ra rằng chỉ số xoay vòng tồn kho có tính đặc thù vì nếu hàng quá thời điểm tồn kho sẽ phải bỏ đi và không được phép bán.
Thấy rằng Hoài Ân trả lời được mọi câu hỏi từ các sếp nhưng rất chung chung, sếp Vũ Anh muốn ứng viên cho dẫn chứng cụ thể “Trong công việc BA, sản phẩm nào em làm và thấy tự hào, đóng góp của em là gì và kết quả như thế nào?”. “Sản phẩm nào em cũng tự hào nhưng sản phẩm em tự hào nhất là sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sản phẩm của em là hệ thống nhằm kết nối các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay. Đối với một hệ thống quản lý bán hàng kho đã có sẵn, sản phẩm của em giúp người dùng quản lý tồn kho một cách tập trung và trong hệ thống các điểm bán hàng khác nhau. Em tự hào vì sản phẩm này mang lại giá trị và thực sự thay đổi quy trình quản lý bán hàng trước khi đưa ra thị trường.” – Hoài Ân trả lời.
Chi tiết hơn vài trò của bản thân trong quá trình thực hiện sản phẩm trên, Hoài Ân cho biết đầu tiên chỉ là BA member rồi từng bước gửi thành key member rồi lên vị trí leader đào tạo, quản lý các bạn BA bên dưới.
Hoài Ân tiếp tục ghi điểm hơn sau khi thể hiện quyết tâm cống hiến cho công việc bất kể ngày đêm, kể cả làm việc cuối tuần sau câu hỏi của Sếp Lan.Với câu trả lời dứt khoát “Chỉ cần có trả lương em sẽ làm”, Hoài Ân nhận liền ba đèn xanh từ Sếp Hiếu, Sếp Lan, Sếp Vũ Anh, còn Sếp Vũ Linh thì bấm đèn đỏ từ chối tuyển dụng.
Sếp Hiếu đề xuất Hoài Ân vào vị trí Trưởng nhóm dự án SBU với mức lương 31.868.868 đồng. Sếp Vũ Anh đề xuất Hoài Ân vào vị trí BA in product team với mức lương 32.000.000 đồng. Sếp Lan đề xuất Hoài Ân vào vị trí Senior BA kiêm UI/UX với mức lương 35.333.335 đồng. Sếp Lan là sếp duy nhất trả mức lương vượt kỳ vọng của Hoài Ân, nhưng kèm điều kiện ứng viên phải tham gia văn hóa đọc và chạy của công ty. Ngoài ra Sếp Lan tiết lộ thêm, ở Tập đoàn giáo dục Atlantic các vị trí key sẽ trở thành cổ đông, bên cạnh đó công ty còn thiết lập cổ phần ESOP để trao tặng cho người lao động, lợi nhuận của công ty cũng được trích ra để thưởng cho nhân viên theo quy chế. Nếu Hoài Ân trở thành thành viên cống hiến và có thành tích trong công việc sẽ được nhận những cổ phiếu đó.
Bất ngờ nhận được “big deal” từ Sếp Lan, Hoài Ân vô cùng xúc động và chia sẻ rằng anh từng đạt được huy chương trong môn chạy nên với điều kiện kèm theo của Sếp Lan sẽ không phải vấn đề. Kết thúc vòng Cơ hội cho ai, Hoài Ân đã chốt về với ‘đại gia đình’ Atlantic Group của Sếp Lan với vị trí Senior BA kiêm UX/ UI với mức lương 35.33.335.
Kevin