(Alotintuc.com) – ‘Con tên là Hương Giang, năm nay con 5 tuổi. Con học lớp lá. Hôm nay nhà con làm đầy tháng cho em Thỏ là em gái của con. Con muốn mang một món quà bất ngờ về nhà tặng mẹ và em Thỏ. Gần nhà con, ở ven đường có một bụi hoa rất đẹp. Hôm nay con sẽ hái tặng mẹ.’ Nào ngờ bó hoa hái vội chưa kịp đem về tặng mẹ thì em đã gặp phải một cú tông xe như trời giáng.
“Tình cờ một người đàn ông uống rượu đi xe với tốc độ nhanh. Khi bé Giang bị đâm, bố là người chạy xuống trước. Bé nằm giữa vũng máu giống như một con ếch bị người ta đập chết vậy. Lúc đó anh em hàng xóm lên nhìn thấy, ai cũng nghĩ không còn gì để cứu chữa nữa hết.” Lê Văn Thanh, ba của bé Hương Giang kể lại.
Đó là ngày 8/10/2014, bé Hương Giang được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai với tình trạng hôn mê sâu, rối loạn huyết động, sốc mất máu, chấn thương sọ não, có một vết thương lõm vùng chẩm bên trái, chảy máu nhiều, chảy dịch não tủy ra tai trái, gãy xương đùi phải và gãy hở hai xương cẳng chân phải. Toàn bộ đội ngũ y bác sĩ giỏi nhất bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai được triệu tập khẩn cấp cho ca mổ sinh tử này. Với thể trạng của bé 5 tuổi cùng với va đập quá mạnh khiến cho sự sống đang đi vào cánh cửa hẹp.
Bác sĩ Phạm Đông Đoài, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai kể lại: ‘Khi vào thì bé đã hôn mê rồi. Đây có thể nói là trường hợp nặng nhất mà chúng tôi đã từng cấp cứu và điều trị. Đa chấn thương như thế này là rất nặng, nó có thể đe dọa tử vong ngay lập tức. Đầu tiên chúng tôi phải đưa vào cơ thể các loại dịch, máu để nâng huyết áp lên. Sau nửa tiếng, chúng tôi đã lấy lại được sinh hiệu mạch huyết áp của em. Còn tri giác lúc đó đã bắt đầu hôn mê rồi.”
Với kết quả chụp CT Scan phát hiện chấn thương lỏm sọ, tụ khí nội sọ, dập não, mảnh xương gãy nhún vào nhu mô não và xoang tĩnh mạch ngang chẩm trái, toàn bộ ê-kíp mổ không thể chần chừ, quyết định mổ ngay. Để đảm bảo an toàn, giành lấy sự sống cho nạn nhân, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai đã phối hợp với đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM tiến hành ca phẫu thuật này. Tất cả các bác sĩ đầu ngành về chấn thương sọ não đều có mặt trong phẫu trường, nhưng không khí căng thẳng vẫn hiện hữu trong từng ánh mắt, cử chỉ của mỗi người. Bên ngoài phòng mổ, bước chân của người cha trĩu nặng vì lo lắng. Từ tối qua đến sáng nay, anh luôn trực chờ ở phòng hồi sức đặc biệt, anh không thể chợp mắt, không ăn, không uống bởi không biết tình hình con mình như thế nào. “Lúc đó tôi như chết lặng. Bạn bè, người thân vào chăm sóc rồi báo lại, tôi chỉ ngồi ngoài chứ không dám nhìn con nữa” Anh kể.
Vấn đề khó khăn mà các bác sĩ phải lo lúc này là việc gây mê cho bệnh nhân, bởi khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, tri giác bị mất, mạch lúc lên, lúc xuống. Nếu không mổ, chắc chắn tử vong. Nhưng mổ cũng chưa chắc sống vì tình trạng hôn mê kéo dài gây khó khăn cho các bác sĩ gây mê. Khó khăn không có nghĩa là từ bỏ. Từ kinh nghiệm gây mê hồi sức nhiều năm, bác sĩ Trang bắt đầu khởi mê. Với một cú va đập sau đó kéo dài trên đường khiến miếng xương trong hộp sọ xuyên vào xoang tĩnh mạch. Xoang tĩnh mạch là nơi nhận máu từ não về tim, cấu tạo chỉ có một miếng nội mô, còn lại do xương sọ và màng cứng tạo thành nên khi bị tổn thương, lượng máu chảy ào ạt và khó cầm máu. Việc gắp mảnh xương vỡ găm vào xoang tĩnh mạch rất khó khăn, nếu không chuẩn bị kỹ các phương tiện cầm máu kịp thời, sẽ làm máu chảy ồ ạt gây tuột huyết áp nhanh và có thể tử vong ngay trên bàn mổ.
Ca mổ kéo dài 90 phút, bệnh nhi qua cơn nguy kịch nhưng vẫn chưa thể nói trước điều gì. Sau mổ, bệnh nhi được các bác sĩ tiếp tục hồi sức tích cực. Tuy nhiên tình trạng bệnh vẫn nặng và bệnh nhi phải thở máy 2 tuần. Đây là kỷ lục hậu phẫu chấn thương sọ não từ trước đến nay. Đến ngày thứ 15, bệnh nhi mở mắt và tự thở được nhưng em không thể nói chuyện và tự cử động theo ý mình. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân gần như sống thực vật.
60 ngày ăn ngủ cùng con trong bệnh viện. Hôm nay con được ra viện nhưng con không phải là con của ngày trước. Con không tự nhận biết được ai là bố ai là mẹ. Con không nói, không tư ăn, không ngồi dậy, con như tờ giấy trắng. Hành trình đi tìm lại tri giác cho con bắt đầu từ đây. “Lúc đầu chăm bé còn cực hơn các bé 1 tuổi. Đồ ăn gì cũng phải xay thật nhuyễn rồi đút từng muỗng. Bé Giang bị ảnh hưởng tới não nên thường xuyên ói” Chị Võ Thị Huyền, mẹ của bé Hương Giang tâm sự. Bé Giang 5 tuổi, sau tại nạn em trở về là đứa trẻ 5 tháng tuổi. Qua những tấm phim chụp, với tình trạng chấn thương nặng có thể để lại di chứng cả đời cho em, não có thể mãi mãi không phục hồi. Nhưng với tình yêu thương và khát khao cho con có thể sống như bao đứa trẻ bình thường khác, bố mẹ kiên trì tập luyện cho con những động tác đơn giản nhất với một hy vọng con sẽ trở về.
Những cố gắng của anh chị đã có kết quả mặc dù rất chậm và rất ít nhưng có còn hơn không. Anh chị tham khảo ý kiến cách tìm lại tri giác cho con qua nhiều tài liệu y khoa, sức khỏe rồi sau đó chắt lọc cho phù hợp với con mình. “Tập cho con những câu nói như những đứa trẻ mới bập bẹ. Tập nói từng câu một. Sau đó bé biết nói câu đầu tiên. Ví dụ mẹ hỏi ‘con có ăn không?’, bé sẽ nói ‘có’. Hoặc bé cũng có thể nói ‘mẹ Huyền’. Từ đó tôi cảm thấy hy vọng. Chắc chắn một ngày nào đó con mình sẽ bình thường như những đứa trẻ khác” Mẹ của bé Hương Giang chia sẻ.
Quay trở lại của một năm về trước, bé Giang đã đọc thông vanh vách bảng chữ cái, chữ số. Vậy mà giờ đây, những mảnh ghép sắc màu kia, con đều lắc đầu không biết. Nhưng với mong muốn một ngày không xa, con cũng được cắp sách tới trường như bao bạn bè, anh Thanh, chị Huyền không ngừng nỗ lực, hy vọng trên con đường tìm lại tri giác cho con. Theo y văn, trên con đường tìm lại tri giác thì tri thức là thứ khó tìm nhất. Biết điều đó nhưng người làm cha làm mẹ nhất định không từ bỏ. Hiện tại, bé Hương Giang đã tìm lại được tri giác khoảng 70 đến 80 phần trăm của ngày xưa.
“Tôi hành nghề này đã hơn 20 năm cũng chưa từng gặp một câu chuyện như vậy. Tôi muốn thông qua câu chuyện này để nói với các đồng nghiệp của tôi phải luôn cố gắng trong mọi trường hợp. Dù là cơ hội mong manh nhất thì chúng ta cũng phải cứu để giành lấy bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần” Bác sĩ Phạm Đông Đoài, trưởng khoa chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai tâm sự trong niềm hân hoan.
Sau 6 tháng vắng mặt, bé Hương Giang đã có thể quay trở lại trường học. Niềm vui của những người làm cha, làm mẹ không thể giấu diếm được. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, anh Thanh, chị Nguyệt đã giúp con tìm lại được tri giác. Hôm nay, ngày con đến trường cũng là ngày kết thúc hành trình 180 ngày hồi sinh.
KHOẢNH KHẮC SINH TỬ do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng công ty Đông Tây Promotion thực hiện. Chương trình được phát sóng định kỳ vào 11h30 phút trưa chủ nhật hàng tuần trên HTV7 bắt đầu từ 14/6/2015.
Kevin
Hello ! I am the one who writes posts on these topics totosite I would like to write an article based on your article. When can I ask for a review?